Ngày 23/04/2025, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức chương trình sinh hoạt khoa học với chủ đề “Troponin I siêu nhạy (high-sensitivity Troponin I - hsTnI): Công cụ mới trong phân tầng nguy cơ tim mạch".
Hội thảo thu hút sự tham gia của hàng trăm cán bộ y tế lắng nghe tham luận chuyên sâu do PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện trưởng Viện Tim mạch và TS.BS. Đào Huyền Quyên, Phụ trách khoa Hóa sinh, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ. Hội thảo khoa học mở ra hướng tiếp cận hiện đại, những bằng chứng mới và ứng dụng lâm sàng trong chẩn đoán và dự phòng bệnh lý tim mạch.
Bối cảnh và thách thức trong phòng ngừa bệnh tim mạch tại Việt Nam
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài, các bệnh tim mạch đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam với tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim và đột quỵ chiếm hơn 75% trường hợp toàn cầu. Điều tra STEP 2015 của Bộ Y tế cho thấy 13% dân số có nguy cơ tim mạch, trong đó 29% thuộc nhóm nguy cơ cao cần can thiệp. Đáng chú ý, tỷ lệ tăng huyết áp trong cộng đồng lên đến 22%, nhưng chỉ dưới 25% cơ sở y tế áp dụng phân tầng nguy cơ. "80% biến cố tim mạch có thể phòng ngừa bằng kiểm soát yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì. Tuy nhiên, việc chẩn đoán sớm và phân tầng chính xác vẫn là thách thức lớn", PGS. Hoài nhấn mạnh.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện trưởng Viện Tim mạch (bên phải) và TS.BS. Đào Huyền Quyên, Phụ trách khoa Hóa sinh (bên trái) đồng chủ trì chương trình
Hạn chế của các công cụ phân tầng nguy cơ truyền thống
Trong bài tham luận của mình, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài - Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ với các tham dự viên về vai trò đột phá của hsTnI trong phân tầng nguy cơ tim mạch. Bằng kinh nghiệm hơn 30 năm lâm sàng của mình, PGS. Thu Hoài phân tích: Các công cụ như thang điểm Framingham, SCORE hay ACC AHA dựa trên tuổi, giới tính, huyết áp, lipid máu... tuy hữu ích nhưng có nhiều hạn chế: Thứ nhất, giá trị dự báo trung bình (diện tích dưới đường cong ROC chỉ 0.6-0.7), dễ bỏ sót nhóm nguy cơ cao ở người trẻ có béo phì, rối loạn chuyển hóa. Thứ hai, đó là sự phụ thuộc tuổi tác. Người lớn tuổi khỏe mạnh có thể bị đánh giá quá cao nguy cơ, trong khi người trẻ mắc bệnh tiềm ẩn lại bị bỏ qua. Hạn chế thứ ba là thiếu khả năng phản ánh tổn thương tim mạch sớm, đặc biệt ở nhóm chưa có triệu chứng lâm sàng.
Với những hạn chế đó, "Việc kết hợp các dấu ấn sinh học như hsTnI vào bộ công cụ phân tầng là cần thiết để tăng độ chính xác và cá thể hóa điều trị", PGS. Hoài chia sẻ.
Troponin I siêu nhạy: Đáp ứng đủ 5 tiêu chí phân tầng nguy cơ lý tưởng
PGS.TS. Thu Hoài trình bày vai trò đột phá của hsTnI dựa trên các nghiên cứu BiomarCaRE (2016) và HUNT (2018). Khác với công cụ truyền thống, hsTnI có 5 thế mạnh sau:
1. Phát hiện nguy cơ ngay cả ở người chưa có triệu chứng, giúp can thiệp trước khi xảy ra tổn thương tim.
2. Tiên lượng chính xác biến cố nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ.
3. Phản ánh hiệu quả điều trị: Nghiên cứu WOSCOPS (2016) chứng minh hsTnI giảm đáng kể sau dùng statin.
4. Bổ sung giá trị dự báo khi kết hợp với thang điểm Framingham, cải thiện diện tích dưới đường cong ROC.
5. Hiệu quả chi phí: Xét nghiệm dễ triển khai, phù hợp với quần thể rộng như Việt Nam.
"HsTnI không chỉ là công cụ chẩn đoán mà còn giúp cá thể hóa phác đồ điều trị, ưu tiên nhóm nguy cơ cao để giảm 80% biến cố tim mạch", PGS. Hoài khẳng định.
Các học viên tham gia chương trình sinh hoạt khoa học chụp ảnh lưu niệm cùng 2 báo cáo viên
Đảm bảo chất lượng xét nghiệm, giảm thiểu sai số, tối ưu hóa kết quả
TS.BS. Đào Huyền Quyên - Phụ trách Khoa Hóa sinh chỉ ra rằng: 70% quyết định lâm sàng phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm và việc cung cấp kết quả chính xác trong thời gian ngắn nhất. Bài báo cáo của TS Quyên trình bày những thách thức trong đảm bảo chất lượng xét nghiệm hsTnI; Các yếu tố gây nhiễu ảnh hưởng đến xét nghiệm như tình trạng bệnh phẩm tán huyết, bilirubin cao, huyết tương đục, ALP, đặc biệt các yếu tố khó kiểm soát: Biotin, kháng thể bất thường... Giải pháp để giải quyết và phòng ngừa vấn đề này là phòng xét nghiệm cần liên tục cải tiến và chuẩn hóa các quy trình, tổ chức đào tạo nhân viên trong việc thực hiện đúng quy trình. TS. Quyên nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường giao tiếp giữa phòng xét nghiệm với bác sĩ lâm sàng, nhất là khi có sự không phù hợp giữa kết quả xét nghiệm và tình trạng bệnh nhân.
Hội thảo kết thúc với thông điệp: hsTnI không chỉ là công cụ chẩn đoán mà còn giúp cá thể hóa điều trị. Ứng dụng này đặc biệt ý nghĩa tại Việt Nam, nơi 29% dân số có nguy cơ tim mạch nhưng chưa được tầm soát đủ (STEPS 2015). Với sự phê duyệt của Bộ Y tế, hsTnI sẽ trở thành xét nghiệm thiết yếu trong phòng ngừa bệnh lý tim mạch.
PGS.TS. Thu Hoài kết luận: "Phát hiện sớm bằng hsTnI, kết hợp kiểm soát yếu tố nguy cơ và can thiệp tích cực là chìa khóa giảm gánh nặng bệnh tật". Bài học từ nghiên cứu STEP 2015 và kinh nghiệm quốc tế cho thấy: Đầu tư vào công cụ phân tầng hiện đại như hsTnI không chỉ cứu sống bệnh nhân mà còn tiết kiệm chi phí y tế lâu dài.